Một kiến thức cơ bản trong ngành nhựa là hầu hết các chất phụ gia (kể cả chất tạo màu) đều sẽ được sử dụng hạn chế. Hầu như không có nhà sản xuất bao bì nhựa nào gợi ý cho khách hàng của mình chọn những loại túi màu, trừ những trường hợp màu sắc đó phục vụ cho những nhiệm vụ thật cần thiết. Các loại nhựa nguyên sinh như Polyetylen (PE), Polypropylen (PP) có thành phần hóa học tinh khiết và đơn giản (chỉ bao gồm nguyên tố hydro và carbon), được đánh giá là an toàn cho sức khỏe con người. Việc thêm vào thành phầm của chúng bất kỳ chất nào mà không có mục đích rõ ràng được cho là quá thừa thãi.
Nhưng những chất phụ gia thường được sử dụng trong bao bì nhựa không chỉ có chất tạo màu, mà còn bao gồm những loại khác. Chúng có tác dụng tăng cường các tính chất của vật liệu nhựa như độ bền, độ dẻo dai, khả năng xử lý. Do tầm quan trọng của các chất phụ gia đối với nhựa, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để đánh giá tác động của chúng đối với tính năng và sự an toàn của nhựa thành phẩm. Và kết quả cho thấy, việc kết hợp các chất phụ gia vào vật liệu nhựa trong quá trình chế tạo thường ảnh hưởng đến tính lưu biến, tính chất cơ học và quang học theo một cách không thể đoán trước, và đôi khi là theo chiều hướng có hại.
Vào tháng 2 năm 2020, việc phân loại một số dạng titan dioxit (thường dùng để tạo ra sắc tố màu trắng) là chất nghi ngờ gây ung thư do hít phải đã được công bố. Vào tháng 9 năm 2021, ECHA (Cơ quan Hóa chất Châu Âu – European Chemicals Agency) đã xuất bản hướng dẫn mới để giúp các công ty và chính quyền các quốc gia hiểu cách hỗn hợp có chứa titan dioxit (TiO2) cần được dán nhãn: “Có thể hình thành bụi nguy hiểm do hô hấp khi sử dụng. Không hít thở bụi” (EUH212). Các hỗn hợp lỏng có chứa ít nhất 1 % hạt TiO2 có đường kính khí động học ≤10 μm, cũng cần được dán nhãn với nội dung “Các giọt hô hấp nguy hiểm có thể được hình thành khi phun. Không hít hơi nước hoặc hơi sương” (EUH211).
Tỷ lệ pha trộn chất phụ gia trong nhựa thường rất thấp (dưới 5%). Nhiều người cho rằng với một lượng ít ỏi này, và trong điều kiện bình thường, những chất phụ gia trên vẫn sẽ nằm yên trong nhựa, rất khó để chuyển hóa thành dạng khí hoặc bột để có thể gây tác động đến sức khỏe con người. Nhưng không ai có thể lường trước được rằng trong các điều kiện môi trường đặc biệt, mọi chuyện sẽ khác đi như thế nào. Những chất phụ gia có liên kết với các phân tử nhựa vốn không chắc chắn, sẽ rất dễ bị tách rời trong các điều kiện nhiệt độ cao, ánh sáng mạnh hay trong quá trình phân hủy.
Còn rất nhiều những nghiên cứu khác nghiên cứu về tác động của các chất phụ gia nhựa vẫn đang và sắp được thực hiện. Nhưng có một điều chắc chắn là những tiêu chuẩn về các chất phụ gia này sẽ ngày càng được nâng cao để bảo vệ sức khỏe con người. Cũng trong năm 2021, ECHA cũng đã công bố bản cập nhật lần thứ 25 của quy định Reach. (viết tắt của Registration, Evaluation, Authorisation và Restriction of Chemicals) về các hóa chất được sử dụng trong chuỗi cung ứng và sản phẩm. Trong bản cập nhật này, 8 chất mới có mối quan ngại rất cao (Substances of Very High Concern – SVHC) đã được thêm vào, nâng tổng số chất cấm tăng từ 211 lên 219! Parafin clo hóa chuỗi trung bình (MCCP) cũng nằm trong danh sách. Đây là một chất thường dùng làm phụ gia chống cháy và hóa dẻo trong ngành nhựa, cao su và dệt may!
Để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao như vậy, các hãng phụ gia nhựa cũng không ngừng cho ra các sản phẩm mới với hiệu suất và độ an toàn cao hơn. Nhưng để có được sự chủ động, các nhà sản xuất bao bì nhựa cũng sẽ cần am hiểu tường tận hơn về thành phần nguyên liệu chính, và các chất phụ gia mà mình đang sử dụng. Đồng thời có một nguyên tắc cơ bản, đó là những loại nhựa tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, dược phẩm hay bất kỳ ứng dụng nào liên quan đến sức khỏe con người, thường sẽ được sản xuất mà không có bất kỳ chất phụ gia nào trong thành phần.
Và một xu hướng có thể sẽ không tránh khỏi trong ngành nhựa, là các chất màu hữu cơ sẽ quay trở lại thay thế cho các chất màu vô cơ hiện đại, đặc biệt là những loại chất màu vô cơ kim loại nặng như cadmium hay chì cromat.